Hiểu rõ nguyên nhân gây hôi miệng để phòng bệnh

Ai cũng có thể mắc hôi miệng

Hôi miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già. Hôi miệng tăng nhẹ theo tuổi, càng lớn tuổi mùi hôi miệng càng tăng. Tại Hoa Kỳ, Loesche và cộng sự thấy rằng, 43% người trên 60 tuổi có vấn đề về hơi thở. Trong khi đó, cùng lứa tuổi này tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ bị hôi miệng khoảng 28%. Tỷ lệ mắc hôi miệng ở nam và nữ gần như nhau. Nghiên cứu của một tác giả Brazil về chứng hôi miệng ở các sinh viên đại học và gia đình họ cho thấy rằng tỷ lệ hôi miệng là 15%, nam nhiều hơn nữ, đặc biệt là những người trên 20 tuổi.

Nguyên nhân của chứng hôi miệng

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây hôi miệng nhưng 90% là từ miệng, trong đó phải kể đến tình trạng nhiễm khuẩn tại miệng. Nguyên nhân là do mảng bám lưỡi, vệ sinh răng miệng kém, có nhiều cao răng, mảng bám răng. Sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng, túi nha chu sâu hơn 4mm, viêm lợi loét hoại tử, áp-xe quanh răng, ung thư miệng, bệnh nha chu, bệnh quanh Implant, tủy hoại tử, tổn thương miệng (loét áp-tơ)...

Cần khám răng, lấy cao răng  định kỳ để phát hiện răng sâu và các bệnh răng miệng khác tránh tình trạng hôi miệng.

Mảng bám lưỡi là một “chất lắng mềm” được tạo thành từ một màng sinh học bám vào bề mặt lưỡi. Mảng bám lưỡi được phân biệt với các dạng lắng đọng khác trong khoang miệng như mảng bám răng, cao răng... cũng gây hôi miệng. Răng sâu có lỗ hổng thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, phát triển. Mảnh vụn thức ăn đọng ở bên dưới hay quanh miếng hàn thừa và phục hình hở khi bị phân hủy là nguồn gây mùi hôi.

Khô miệng với các triệu chứng: giảm vị giác, khó nuốt, viêm niêm mạc miệng, dễ sâu răng, nhiều mảng bám trên răng và lưỡi thường gặp ở người trên 50 tuổi, thiếu sinh tố, mãn kinh, tuyến nước bọt kém hoạt động, liệt dây thần kinh mặt (dây VII), cơ thể mất nước, thở bằng miệng, đái tháo đường,  trầm cảm, lạm dụng rượu, thiếu hồng cầu, đa xơ cứng, AIDS, dùng thuốc... cũng gây hôi miệng.

Các nguyên nhân ngoài miệng như: Nhiễm khuẩn đường hô hấp, do bệnh hệ thống (suy thận, suy gan, người bị bệnh đái tháo đường, hơi thở có mùi chua trái cây vì nhiễm aceton và keton) cũng có thể bị hôi miệng.  Hội chứng hôi mùi cá ươn (trimethylaminuria - Fish odor syndrom) rất hiếm gặp. Đây là bệnh tự miễn của trẻ sơ sinh với rối loạn chuyển hóa chất trimethylamin. Bệnh không chữa được và phải dùng nhiều thực phẩm có nhiều cholin, tiền thân của trimethylamin, như đậu, trứng, lòng động vật.

Nguyên nhân từ đường tiêu hóa: Bệnh nhân bị nóng rát sau xương ức, ợ hơi và có thể bị loét hoặc đau dạ dày không rõ nguyên nhân.

Do thực phẩm: Mùi hôi giống như mùi của thực phẩm đã dùng và chỉ nhất thời xảy ra sau khi ăn uống (hành, tỏi) hay dùng thuốc (thuốc chứa nitrat, cồn, chloralhydrat và iodin). Sự trao đổi chất giữa một số thức ăn và đồ uống nhất định tạo ra các acid béo bay hơi và các chất có mùi hôi khác được bài tiết qua phổi.

Hút thuốc lá: Người nghiện thuốc lá có mùi hôi miệng thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất. Mùi thuốc lá có thể kéo dài trong hơn một ngày sau khi ngừng hút.

Do thuốc điều trị ung thư: Ung thư là một nguyên nhân ít gặp dẫn đến hôi miệng nhưng khi dùng các thuốc điều trị ung thư như amphetamines, chloralhydrat, cytotoxic agents, dimethyl sulphoxide, disulphiram, nitrate và nitrites, phenothiazione có khả năng gây hôi miệng.

Do tâm lý: Hôi miệng do tâm lý là rất hiếm. Người bệnh có cảm tưởng mình bị hôi miệng trầm trọng nên họ thường tự cô lập và xa lánh mọi người. Hôi miệng do tâm lý thường thấy ở nữ, hoặc bệnh nhân bị bệnh tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt...

Lời khuyên của thầy thuốc

Đối với những người mắc các bệnh lý cần điều trị và kiểm soát có thể hạn chế được tình trạng hôi miệng. Ngoài ra, để khắc phục hôi miệng, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng, chải lưỡi buổi sáng và buổi tối (trước khi đi ngủ) được cho là đủ để có một chế độ vệ sinh răng miệng đúng cách và giảm nguy cơ sâu răng. Sử dụng nước súc miệng để giảm bớt hôi miệng. Để làm sạch miệng, hãy dùng chỉ nha khoa lấy hết thức ăn còn ở khoảng trống giữa các răng, sau khi đánh răng và súc miệng. Ngoài ra cần khám răng, lấy cao răng định kỳ để phát hiện răng sâu và các bệnh khác.

- TS. Hoàng Kim Loan

- Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt (Viện Đào tạo răng hàm mặt- Đại Học Y Hà Nội)

ĐĂNG KÝ KHÁM, TƯ VẤN