Khám răng định kì cho trẻ em tại Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh răng hàm mặt
Tổng quan
Khám răng định kỳ cho trẻ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe dự phòng.
Trong khi khám răng, bác sĩ sẽ làm sạch răng của trẻ và đánh giá nguy cơ sâu răng. Việc kiểm tra có thể bao gồm việc trám bít hoặc bôi flo để giảm nguy cơ sâu răng. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu chụp phim X-quang và tiến hành một số thủ thuật chẩn đoán khác.
Bác sĩ Răng-hàm-mặt sẽ có nhu cầu hỏi về chế độ ăn và thói quen răng miệng của trẻ và hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách. Các việc cần làm khác có thể là ngăn ngừa chấn thương miệng hoặc đối với thanh thiếu niên, các nguy cơ sức khỏe liên quan đến thuốc lá, lạm dụng chất kích thích và xỏ khuyên miệng.
Tại sao cần kiểm tra?
Kiểm tra răng định kì sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ. Bác sĩ có cơ hội để phát hiện các dấu hiệu sâu răng sớm của trẻ để điều trị kịp thời, hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng.
Khi nào cần khám răng?
Có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tần suất con bạn cần khám răng, bao gồm tuổi tác, sức khỏe toàn thân và nguy cơ sâu răng. Sau đây là một vài hướng dẫn chung:
Từ 6 tháng đến 1 tuổi: Học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên lên lịch khám răng đầu tiên cho trẻ sau khi chiếc răng đầu tiên mọc và không muộn hơn ngày sinh nhật đầu tiên. Đồng thời răng và lợi của trẻ cũng nên được kiểm tra khi khám sức khỏe tổng quát.
Trẻ tập đi, trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên: Học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên lên lịch khám răng cho trẻ định kỳ, với khoảng thời gian phổ biến nhất là sáu tháng một lần. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thăm khám ít hơn hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của con bạn đối với các vấn đề sức khỏe răng miệng.
Chuẩn bị đi khám
Trước khi lên lịch khám răng đầu tiên cho con bạn, hãy cân nhắc xem liệu bạn có cảm thấy thoải mái khi đến gặp bác sĩ tổng quát hay đưa con đến bác sĩ chuyên khoa răng trẻ em - bác sĩ cung cấp dịch vụ chăm sóc răng miệng chuyên biệt cho trẻ em, từ trẻ sơ sinh đến thiếu niên. Các bác sĩ chuyên khoa răng trẻ em sẽ có những văn phòng thiết kế rất bắt mắt, thân thiện với trẻ nhỏ với các thiết bị chuyên dụng cho răng trẻ em.
Để hỗ trợ việc con bạn đi khám tại phòng khám:
Cẩn thận lựa chọn thời gian Đặt lịch khám răng vào một thời điểm thích hợp trong ngày sao cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất và vui vẻ hợp tác với bác sĩ.
Luôn nghĩ tích cực Khi nói chuyện về việc khám răng, hãy hạn chế dùng từ “đau”, “khó chịu”, “sợ”. Thay vào đó, hãy nói với trẻ là bác sĩ sẽ sử dụng những dụng cụ đặc biệt giúp cho răng trẻ sẽ được khỏe mạnh. Gợi mở cho trẻ về việc bạn đã từng đi đến gặp bác sĩ rồi, tuy nhiên hạn chế nhắc về những kỷ niệm tiêu cực khi đến khám răng nếu bạn đã từng có.
Lắng nghe trẻ Khuyến khích động viên trẻ nói ra nỗi lo lắng hay sợ hãi khi đến khám răng.
Lợi ích
Quá trình khám răng cho trẻ em có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và nhu cầu điều trị của trẻ.
Từ 6 tháng đến 1 tuổi
Bác sĩ có thể đặt trẻ lên bàn hoặc ghế chuyên dụng và bạn sẽ ôm trẻ vào lòng trong quá trình kiểm tra. Sau đó bác sĩ sẽ:
Đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng và sức khỏe tổng thể, thói quen ăn uống và nguy cơ sâu răng của con bạn.
Loại bỏ vết bẩn hoặc cặn bám trên răng của trẻ bằng cách chà nhẹ bằng bàn chải đánh răng ướt hoặc khăn ướt.
Hướng dẫn kĩ thuật vệ sinh đúng cách.
Đánh giá lượng flo mà con bạn nhận được qua chế độ ăn uống và sử dụng các sản phẩm vệ sinh răng miệng - và nếu cần thiết, bác sĩ kê đơn bổ sung flo hoặc áp dụng điều trị flo tại chỗ cho răng của trẻ.
Tìm vết loét hoặc vết sưng trên lưỡi của trẻ, bên trong má và trên vòm miệng (nếu có).
Đánh giá tác động của các thói quen có hại như sử dụng núm vú giả và mút ngón tay cái.
Trẻ tập đi, trẻ em trong độ tuổi đi học và thanh thiếu niên.
Trong mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ sẽ tiếp tục đánh giá vệ sinh răng miệng và sức khỏe tổng thể toàn thân, thói quen ăn uống và nguy cơ sâu răng của con bạn. Bên cạnh việc làm sạch răng, bác sĩ sẽ:
Chụp X-quang nha khoa hoặc, nếu cần, làm các thủ tục chẩn đoán khác.
Bôi chất trám bít - lớp phủ nhựa mỏng, bảo vệ - lên răng hàm vĩnh viễn và các răng phía sau khác dễ bị sâu.
Chữa sâu răng hoặc các vấn đề về răng.
Kiểm tra độ cắn khớp của 2 hàm răng.
Tư vấn cho con bạn về tác động của việc mút ngón tay cái, nghiến chặt hàm hoặc cắn móng tay.
Khuyến cáo điều trị trước khi chỉnh nha, chẳng hạn như ống ngậm đặc biệt, hoặc điều trị chỉnh nha, chẳng hạn như niềng răng, để làm thẳng răng của trẻ hoặc điều chỉnh khớp cắn.
Trẻ càng lớn. khám răng cũng có thể bao gồm tư vấn về các nguy cơ sức khỏe răng miệng liên quan đến:
Uống đồ uống có đường
Hút thuốc
Nhai thuốc lá
Rối loạn ăn uống
Xỏ khuyên vùng miệng
Không đeo bảo vệ hàm trong một số môn thể thao
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị nhổ răng khôn (răng hàm lớn thứ ba) của con bạn ở độ tuổi thích hợp, thường là 16 tuổi.
X quang nha khoa
Chụp X-quang nha khoa cho phép bác sĩ xem hình ảnh chi tiết của các phần cụ thể trong miệng của con bạn để giúp chẩn đoán các vấn đề không thể nhìn thấy trong quá trình khám răng. Thường không cần chụp X-quang trong mỗi lần khám răng và bác sĩ sẽ nói bạn về nhu cầu chụp X-quang tùy theo độ tuổi, sức khỏe răng miệng và nguy cơ mắc bệnh của trẻ.
Tuy rằng phóng xạ từ X quang nha khoa là khá thấp, bạn vẫn có thể nói với bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng về điều này.
Kết quả
Sau khi khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về sức khỏe răng miệng của trẻ, bao gồm nguy cơ bị sâu răng, các mối quan tâm về sức khỏe răng miệng khác và các biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để cải thiện và bảo vệ sức khỏe răng miệng của con bạn.
Bác sĩ cũng sẽ đề nghị tái khám, thông thường sẽ là 6 tháng một lần. Nếu trẻ có nguy cơ sâu răng cao hoặc gặp nhiều vấn đề răng miệng khác, thăm khám định kì thường xuyên hơn sẽ rất cần thiết.
Bài viết liên quan
Đăng kí tư vấn
Một số minh hoa phẫu thuật nha chu
455322-08-2020 22:49Hiểu rõ nguyên nhân gây hôi miệng để phòng bệnh
433015-08-2020 16:07